Dự thảo 5 nhóm nội dung sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật SDNL TK&HQ – Luật số 50/2010/QH12) gồm có 12 Chương, 48 Điều, quy định các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế, xã hội và quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cùng với sự ra đời của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được khẩn trương xây dựng và ban hành, tạo thành khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, đảm bảo cho tính thực thi các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

1. Sự cần thiết phải sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP-26), với cam kết “Net Zero”, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ năm 2011 theo hướng xây dựng các chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Theo các chuyên gia, nhiều nội dung quy định trong Luật còn mang tính khuyến khích, cơ chế thực thi, chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh; việc triển khai thi hành Luật vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Luật chưa quy định cụ thể các giải pháp thúc đẩy thị trường dịch vụ tiết kiệm năng lượng. Hoạt động kiểm toán năng lượng có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng kiểm toán năng lượng còn thấp, không có cơ quan độc lập để kiểm định chất lượng dịch vụ kiểm toán năng lượng, tư vấn năng lượng.
Đặc biệt, Luật chưa quy định hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường tiết kiệm năng lượng thông qua cơ chế thực hiện các hợp đồng hiệu quả năng lượng theo mô hình ESCO.
Việc thiếu các quy định giám sát việc thực hiện đối với các đơn vị tư vấn đã và đang gây ra những bất cập trong việc quản lý như: chất lượng tư vấn của các đơn vị không đồng đều, thiếu các quy định về chất lượng thiết bị kiểm toán năng lượng, quy định thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng; quy định về các cơ chế ưu đãi, khuyến khích trong Luật còn chưa cụ thể, dẫn đến các chính sách ưu đãi đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa được triển khai thực hiện.

2. Đề xuất 5 nhóm nội dung sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến góp ý, tham vấn của 12 Bộ ngành, 63 tỉnh thành phố và 70 Tập đoàn, Tổng công ty lớn đề xuất sửa đổi các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hiện nay, Bộ Công Thương đang thực hiện tổng hợp tiếp thu các ý kiến, đề xuất, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính Phủ các nội dung đề xuất sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo đó, dự thảo đề xuất tập trung vào 5 nhóm nội dung chính, giải quyết những bất cập hiện nay đồng thời giúp thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng trong giai đoạn tới.
Nhóm 1: Nhóm chính sách liên quan đến quản lý năng lượng 
– Xem xét điều chỉnh mức sử dụng năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện hành trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng; bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ thực hiện các quy định của Luật đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cho phù hợp với tình hình hiện nay.
– Quy định chi tiết hơn (bắt buộc) về việc xây dựng và áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm lĩnh vực công nghiệp xây dựng và giao thông vận tải.
– Tăng cường trách nhiệm của địa phương trong việc kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp tại địa phương.
Nhóm 2: Nhóm chính sách liên quan đến công ty tư vấn dịch vụ năng lượng và mạng lưới đơn vị tư vấn dịch vụ năng lượng
– Nghiên cứu, đề xuất các quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh đối với tổ chức hành nghề kiểm toán năng lượng theo quy định Luật Đầu tư kinh doanh 2020.
 – Nghiên cứu xây dựng các cơ chế hỗ trợ và hình thành hệ thống các Công ty dịch vụ năng lượng
Nhóm 3: Xây dựng hành lang pháp lý, phát triển các công cụ thị trường tiết kiệm năng lượng 
– Bổ sung mô hình Quỹ hỗ trợ các hoạt động của công ty Công ty dịch vụ năng lượng, nghiên cứu các công cụ tài chính như bảo lãnh vốn, chia sẻ rủi ro, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp thực hiện ….
-Nghiên cứu đề xuất các công cụ tài chính hỗ trợ hoạt động thu xếp vốn đầu tư, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro đầu tư, cơ chế huy động vốn,…
– Nghiên cứu xây dựng các cơ sở pháp lý hỗ trợ hoạt động dịch vụ năng lượng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Nhóm 4: Nhóm vấn đề liên quan đến quản lý hiệu suất năng lượng của phương tiện thiết bị trên thị trường
– Rà soát, nghiên cứu cơ chế ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm hiệu suất cao hơn có tính định hướng thị trường, từng bước loại bỏ các phương tiện, thiết bị, sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu suất thấp.
Nhóm 5: Chính sách phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực SDNL TK&HQ 
-Sửa đổi hoăc bổ sung các quy định pháp luật liên quan liên quan đến hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn bao gồm đào tạo lần đầu, cập nhật kiến thức, đào tạo nâng cao… cho các tổ chức, cá nhân tư vấn hoạt động trong lĩnh vực TKNL, lực lượng kiểm toán viên năng lượng và cán bộ quản lý năng lượng tại cơ sở sử dụng năng lượng.
– Xây dựng mạng lưới liên kết chuyên gia, tổ chức đào tạo và doanh nghiệp, để phát huy nguồn lực và tạo điều kiện cho các tổ chức/doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong quá trình triển khai hoat động tại địa phương.

3. Đề xuất hình thành Quỹ phát triển năng lượng bền vững

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu: “Xây dựng cơ sở pháp lý để có thể hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hoá, bảo đảm độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và hạn chế việc làm tăng chi phí hoạt động, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh”. Đây là nội dung mới, chưa có quy định trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Qua rà soát, Bộ Công Thương cho biết, Luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các quốc gia đều có các quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các chính sách này chủ yếu tập trung vào các ưu đãi về: thuế thu nhập và thuế đất đối với các công ty sản xuất thiết bị hiệu quả năng lượng, thuế nhập khẩu đối với các thiết bị hiệu quả năng lượng, ưu đãi thuế đối với các công ty thực hiện tốt các cam kết về sử dụng hiệu quả năng lượng, lãi suất vay ưu đãi đối với các dự án đầu tư về hiệu quả năng lượng, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, thực hiện các hợp đồng thỏa thuận giữa chính phủ và các công ty về thực hiện các giải pháp hiệu quả năng lượng.
Cơ chế hỗ trợ các dự án tiết kiệm năng lượng thông qua Quỹ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng được triển khai thực hiện ở một số quốc gia như Thái Lan (Quỹ Thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả – Quỹ ENCON), Ấn Độ (Quỹ Bảo tồn Năng lượng Nhà nước – SECFs)…
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao cơ quan thẩm quyền (Ngân hàng nhà nước hoặc Bộ Tài chính) chủ trì nghiên cứu. Nếu đề xuất sửa Luật được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Quỹ cần được triển khai vận hành thí điểm để đánh giá tính hiệu quả trước khi triển khai nhân rộng.
Nguồn: Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững

Quý khách vui lòng liên hệ với ESTECH để được hỗ trợ:

Hotline: 0876868333

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ VÀ CÔNG NGHỆ ESTECH

Địa chỉ:  Số 215, Lô C5, KĐT Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội

Website: https://estech.com.vn/


 

Bài viết mới nhất

Bài viết liên quan